Khớp háng là khớp lớn, vững chắc và có sự liên kết với nhiều bộ phận khác như chân, lưng và vai của bạn. Do đó, khớp háng chiếm vai trò quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày. Mỗi khi đau khớp háng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, trang bị những kiến thức cơ bản viêm khớp háng cách điều trị khi bị đau khớp háng là vô cùng quan trọng. Hãy tìm hiểu những kiến thức đó ở bài viết dưới đây nhé.
- Viêm khớp háng là gì?
Viêm khớp háng là tình trạng khớp háng bị sưng viêm, đau nhức và tổn thương do quá trình thoái hóa, chấn thương, nhiễm trùng hoặc do một số nguyên nhân khác. Đau khớp háng thường gặp ở nữ giới có tuổi (đặc biệt là phụ nữ mang thai hoặc sau sinh).
Khi mắc bệnh viêm khớp háng, người bệnh không chỉ chịu đựng những cơn đau nhức mỏi âm ỉ ảnh hưởng đến cuộc sống mà còn phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như: teo cơ tại vùng mông hoặc đùi, sưng đau khớp ngón chân cái, tàn phế, mất khả năng lao động hoặc các biến chứng về tim mạch,…

Quá trình viêm sẽ phá hủy sụn khớp, là một miếng đệm lót cho khớp háng. Vì vậy, khi di chuyển khớp háng sẽ rất đau. Cơn đau có thể ngày càng tồi tệ và dữ dội hơn. Ngoài ra, bạn có thể cảm thấy cứng khớp háng, giảm cường độ hoạt động của khớp háng, khó khăn trong sinh hoạt.
Có nhiều loại viêm khớp háng như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm trùng, chấn thương khớp,… Viêm khớp háng cần được điều trị sớm để phòng ngừa hoại tử khớp háng.
- Nguyên nhân viêm khớp háng
Bị đau khớp háng là do nguyên nhân nào? Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:
– Quá trình thoái hóa: Theo thời gian, hệ thống xương khớp nói chung và khớp háng nói riêng có xu hướng suy yếu dần. Tình trạng này khiến ổ khớp mất cân bằng, xơ hóa mô sụn, dễ ma sát mạnh vào nhau khi đi lại, cử động và gây ra hiện tượng viêm đau. Viêm khớp háng do thoái hóa còn được gọi là thoái hóa khớp háng. Bệnh này thường xảy ra ở người cao tuổi và có tiến triển chậm, dai dẳng.
– Chấn thương: Chấn thương là một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm khớp háng. Tác động cơ học mạnh có thể khiến ổ khớp bị kích thích, gây nứt mô sụn, giãn dây chằng và bầm tím các mô mềm bao xung quanh.
– Nhiễm trùng: Nhiễm trùng có thể khiến khớp háng bị viêm sưng, đau nhức và giảm khả năng vận động. Tác nhân phổ biến gây viêm nhiễm khớp háng là lậu cầu, tụ cầu vàng, phế cầu, liên cầu, trực trùng coli, trực khuẩn mủ xanh, thương hàn,…
– Rối loạn tự miễn: Viêm khớp háng cũng có thể là hệ quả do rối loạn tự miễn. Tình trạng này xảy ra khi hệ miễn dịch tự tạo ra kháng thể tấn công vào các mô sụn, dây chằng và mô mềm bao xung quanh khiến khớp bị sưng viêm và đau nhức. Viêm khớp háng do tự miễn có thể là viêm khớp vảy nến, viêm khớp dạng thấp hoặc tổn thương khớp.
Ngoài những nguyên nhân trên, viêm khớp háng cũng có thể xảy ra khi một số yếu tố nguyên nhân như:
– Tính chất công việc thường xuyên phải mang vác vật nặng, ngồi nhiều, đứng quá lâu hoặc phải lao động liên tục trong một thời gian dài.
– Thừa cân, béo phì có thể làm tăng áp lực lên khớp háng khiến khớp dễ bị đau nhức và tổn thương khi có tác động.
– Di truyền cũng là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ viêm khớp háng. Thống kê cho thấy, đa phần các trường hợp mắc các bệnh lý này đều có tiền sử gia đình bị các dạng viêm khớp mãn tính do thoái hóa hoặc rối loạn tự miễn.
– Nguy cơ bị viêm khớp háng có thể tăng lên trong giai đoạn phụ nữ mang thai và tiền mãn kinh do áp lực từ cân nặng và sự sụt giảm nghiêm trọng của hormone estrogen.
Trên đây là một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm khớp háng. Vậy dấu hiệu, triệu chứng của bệnh là gì cùng tiếp tục theo dõi phần sau.
- Triệu chứng viêm khớp háng
Triệu chứng của viêm khớp háng phụ thuộc vào mức độ tổn thương ở ổ khớp và nguyên nhân cụ thể. Vì vậy, ta có thể nhận biết tình trạng viêm thông qua các triệu chứng tương ứng với từng giai đoạn diễn tiến của bệnh như sau:
– Giai đoạn đầu: Ở giai đoạn này, tình trạng đau khớp háng chưa quá nghiêm trọng, thường thì người bệnh sẽ chỉ thấy thi thoảng có cảm giác đau và cơn đau cũng nhanh chóng kết thúc. Cơn đau thường xuất hiện tại vùng bẹn, có thể lan xuống đùi. Khi người bệnh làm việc quá sức, đi bộ nhiều, leo cầu thang hoặc đứng quá lâu thì sẽ bị đau tăng nặng hơn.

– Giai đoạn giữa: Khi các cơn đau bắt đầu lan xuống vùng đùi, đầu gối, người bệnh đau ngay cả chỉ nằm, ngồi hoặc ngủ thì cũng là lúc bệnh đã tiến triển đến giai đoạn giữa. Viêm đau khớp háng ở giai đoạn này có thể đã khiến người bệnh gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt hàng ngày như mặc quần áo, đứng lên ngồi xuống hoặc leo cầu thang cũng đau.
– Giai đoạn nặng: Khi bị đau khớp háng đến co cứng, không thể duỗi thẳng chân, chân bị viêm có cảm giác ngắn hơn bên chân lành lặn, người bệnh bước đi rất khó khăn và cơn đau ngày càng dữ dội, lúc đó bệnh viêm đau khớp háng ở giai đoạn nặng nhất. Ở giai đoạn này nếu không có biện pháp xử lý thích hợp thì nguy cơ tàn phế rất cao.
Trên đây là những kiến thức tổng hợp về viêm khớp háng, đau khớp háng bạn nên biết. Khi bị đau khớp háng cần chủ động tìm gặp bác sĩ chuyên khoa khi thấy các triệu chứng bất thường.